Sự khác biệt giữa Hosting Linux và Hosting Windows
Trước đây, giữa hosting dịch vụ lưu trữ (tham khảo kiến thức cơ bản về web, hosting, DNS, …) Linux và Windows có một sự khác biệt rất lớn. Danh sách ứng dụng, ngôn ngữ lập trình, cơ sở dữ liệu… được hỗ trợ trong mỗi nền tảng rất khác nhau. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển của công nghệ, sự khác biệt giữa hosting Linux và Windows đang giảm dần. Ngày nay, sự phân cách đó không thực sự nhiều. Ở đây, chúng tôi xin đưa ra ba điểm khác biệt mà chúng cho là cơ bản giữa hosting Linux và hosting Windows
1. Điểm khác biệt đầu tiên
Windows là hệ điều hành (HĐH) quen thuộc với người dùng máy tính trên thế giới của Microsoft – mã nguồn đóng, còn Linux là HĐH mã nguồn mở. Vì vậy, những ưu nhược điểm của Windows chủ yếu dựa vào Microsoft, còn ưu nhược điểm của Linux lại do công sức của toàn thể cộng đồng người dùng trên toàn cầu. Có lẽ cũng chính vì vậy mà nhiều người cho rằng Windows kém bảo mật hơn Linux. Thực tế thì số lỗi bảo mật của Linux và Windows cũng tương đương nhau, nhưng Linux vá lỗi nhanh hơn vì nó là mã nguồn mở; Còn Windows thì thường chỉ vá lỗi mỗi khi có bản Service Pack mới, trừ khi có lỗi nghiêm trọng. Ngoài ra, việc bảo mật còn phụ thuộc vào quản trị mạng. Với một người quản trị tốt thì website của bạn sẽ luôn an toàn cho dù bạn dùng HĐH nào đi nữa.
2. Khác biệt thứ hai là Linux và Windows hỗ trợ các ngôn ngữ khác nhau
Trong khi Linux thường có xu hướng hỗ trợ PHP (cũng là ngôn ngữ mã nguồn mở), Perl và CGI thì Windows lại đi kèm với ColdFusion, ASP và .NET (cũng là đứa con của Microsoft). Dù vậy, bạn cũng không gặp mấy khó khăn khi tìm hosting Linux hỗ trợ Mono (giúp chạy ứng dụng .NET trên Linux), hay là tìm hosting Windows hỗ trợ PHP, Perl. Tương tự với hệ cơ sở dữ liệu, cả hai đều hỗ trợ MySQL. Nhưng nếu dùng Access hay MS SQL, bạn sẽ phải cần hosting Windows.
Ngay cả khi bạn dùng chung một ngôn ngữ lập trình, cú pháp cho Linux và Windows cũng khác nhau. Thí dụ, trong Linux bạn dùng “/” để phân cách thư mục, còn với Windows là dấu ngược lại: “”. Hãy chú ý đến các chi tiết này khi thiết kế ứng dụng. Tốt nhất, hãy luôn dùng dấu “/” vốn được cả Linux lẫn Windows hỗ trợ trong đa số trường hợp.
3. Điểm khác biệt thứ ba là cách thức truy cập vào máy chủ
Nói chung, cả hai đều hỗ trợ FTP, cách truy cập phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, chỉ có Linux là hỗ trợ Telnet hoặc SSH. Dù vậy, điểm này không quan trọng với đa số người dùng. Rất ít người cần Telnet hoặc SSH để thực hiện một số lệnh hay sửa đổi trực tiếp trên máy chủ. Hơn nữa, đa số đều có thể thực hiện sự thay đổi ở máy tính cá nhân, sau đó dùng ftp, Telnet hoặc SSH để chuyển lên máy chủ.
Lời khuyên cuối cùng là bạn hãy chọn lựa theo sở thích của mình. Tốt hơn hết, hãy chọn một dịch vụ hosting dựa theo các chức năng họ cung cấp hơn là dựa vào HĐH họ sử dụng. Tuy nhiên, nếu website của bạn yêu cầu một ngôn ngữ nhất định nào đó, hãy thận trọng kiểm tra trước khi đăng kí dịch vụ. Thường thì các hợp đồng hosting kéo dài ít nhất 1 năm; và một điểm nữa: nội dung website là quan trọng hơn cả – người dùng không quan tâm bạn sử dụng Linux hay Windows mà chỉ quan tâm cái mà họ nhìn thấy khi truy cập vào website của bạn, hay nói cách khác là nội dung website của bạn.